Kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Ngày đăng: 15/07/2019 - Chuyên mục: Tin chuyên ngành

Thương mại của Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc được dự báo sẽ có những tác động lớn, cả trực tiếp và gián tiếp tới kinh tế Việt Nam. Theo đó, về mặt tích cực, Việt Nam có khá nhiều cơ hội về đầu tư và thương mại trong ngắn hạn như cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ do hàng Trung Quốc bị hạn chế và tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên về dài hạn, Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực do kinh tế thế giới giảm tốc. Việc kinh tế thế giới suy giảm sẽ làm giảm cầu nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam. Theo Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019 của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế, xã hội quốc gia, sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tác động lớn tới doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể giảm.

Số liệu thống kê mới đây cho thấy, mặc dù xuất nhập khẩu nói chung của Việt Nam vẫn tăng trong quý I/2019 (xuất khẩu tăng 4,7% và nhập khẩu tăng 8,9%), nhưng xuất nhập khẩu một số mặt hàng chủ lực đã có dấu hiệu giảm sút. Cụ thể, xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong quý I/2019 đạt 12,1 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu điện thoại và linh kiện  giảm 15,4%, đạt 2,8 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản quý I/2019 cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý I/2019 mặc dù vẫn đạt mức khả quan 6,79%, nhưng đã chậm lại so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2018 và so với tốc độ tăng cả năm 2018 (7,08%). Báo cáo mới nhất của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm từ 7,1% năm 2018 xuống 6,6% năm 2019 và 6,7% năm 2020.

Nền kinh tế xuất hiện các dấu hiệu giảm tốc

Đáng chú ý, kết quả phân tích định lượng từ mô hình kinh tế lượng toàn cầu (NiGEM) cho thấy, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động tiệu cực bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tác động tiêu cực sẽ lan toả dần từ thương mại sang sản xuất, các năm sau sẽ có tác động lớn hơn các năm trước.

Theo dự báo, đỉnh điểm của tác động tiêu cực là vào năm 2020 - 2022, sau đó thị trường sẽ tự điều chỉnh, giảm dần tác động tiêu cực vào các năm tiếp theo. Với kịch bản đánh thuế như hiện tại (Mỹ áp thuế 25% với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc), GDP của Việt Nam có thể giảm 0,29% trong năm 2019 và 0,39% trong năm 2020 so với kịch bản không có chiến tranh thương mại.

Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu cũng chịu tác động mạnh, với mức tác động tăng dần đến đỉnh điểm là giai đoạn 2020 - 2022, sau đó giảm dần. Xuất khẩu có thể giảm 0,45% vào nă 2019 và 0,74% vào năm 2020, trong khi đó nhập khẩu có thể giảm 0,4% vào năm 2019, 0,74% vào năm 2020 và gần 1% vào giai đoạn 2021 - 2022. Mức độ ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại tới kinh tế Việt Nam sẽ còn lớn hơn trong kịch bản Mỹ đánh thuế đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cũng theo kết quả phân tích định lượng từ mô hình NiGEM, thương mại của Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Theo đó, việc hàng Trung Quốc vào Mỹ bị đánh thuế cao đã tạo ra những cơ hội thị trường lớn cho hàng hóa xuất khẩu của những nước đối thủ cạnh tranh với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần lưu ý về nguy cơ thâm hụt thương mại với Trung Quốc có thể sẽ tăng lên nhanh trong thời gian ngắn. 

Xuất khẩu sang Mỹ tăng có thể không bù đắp được những thiệt hại do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm và ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp FDI do sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặt khác, việc Việt Nam có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu sang Mỹ cũng đồng nghĩa với việc thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam gia tăng. Năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là 39,5 tỷ USD, và có thể tăng mạnh hơn trong năm 2019. Trong bối cảnh đó, Việt Nam càng dễ vào tầm ngắm của việc kiểm tra tránh hàng nước ngoài đội lốt vào Mỹ, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Trước những thách thức của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế, xã hội quốc gia cho rằng, Việt Nam cần lưu ý bốn hàm ý chính sách để khai thác tốt cơ hội cũng như hạn chế những rủi ro.

Thứ nhất, Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Vị thế của Việt Nam đang tăng lên đối với các nhà đầu tư (thị trường trong nước lớn, độ mở xuất khẩu lớn, tham gia nhiều và sâu vào FTA). Do vậy, nếu có những chính sách tốt tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh và đầu tư, với vị trí địa lý thuận lợi, giá nhân công rẻ sẵn có, Việt Nam đang là một nước có tiềm năng lớn có thể thay thế vai trò sản xuất của Trung Quốc cho các tập đoàn đa quốc gia muốn hướng tới tiêu thụ sản phẩm ở thị trường Mỹ.

Thứ hai, cần nâng cấp chuỗi giá trị của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam được cho là hưởng lợi lớn từ thương mại và đầu tư, tuy nhiên các lợi ích này có tính ngắn hạn. Điểm nghẽn về dài hạn vẫn là cải thiện chuỗi cung úng để nâng cao giá trị xuất khẩu, tận dụng được các cơ hội từ FTA cũng như mang lại giá trị cao hơn cho doanh nghiệp trong nước. Đối với thương mại, nâng cấp chuỗi giá trị có thể giúp Việt Nam nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu sang Mỹ.

World Bank: Kinh tế Việt Nam chậm lại trong bối cảnh bất định cao

Việt Nam cần nâng cấp công nghệ sản xuất với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt là dệt may để có thể chiếm lĩnh thị trường Mỹ đối với các sản phẩm cao cấp. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển công nghiệp 4.0 cần gắn với chính sách thu hút FDI và chính sách chuyển giao công nghệ.

Thứ ba, Việt Nam cần tránh xung đột thương mại với Mỹ. Trong bối cảnh Mỹ tăng cường bảo hộ hàng hóa trong nước, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng nhanh khiến cho Việt Nam rất dễ rơi vào tầm ngắm của các cơ quan thương mại Mỹ. Trong thời gian tới, Việt Nam cần có những biện pháp ứng phó thích hợp để khỏi bị Mỹ đưa vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ nhằm tránh những biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ có thể áp dụng đối với Việt Nam.

Thứ tư, Chính phủ cần có giải pháp giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp trong nước. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, rủi ro tỉ giá có thể tăng cao, Chính phủ cần nghiên cứu thay đổi các quy định về dự phòng rủi ro đối với các ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất nhằm giúp đảm bảo tối ưu nhất trong tình hình khó đoán định hiện nay.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần được cung cấp thông tin rộng rãi đối với các vấn đề liên quan đến xung đột thương mại Mỹ - Trung bao gồm các động thái giữa hai bên và danh mục hàng hóa bị ép thuế. Từ đó, doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh sản xuất, tìm kiếm thị trường, đối tác linh hoạt hay cân nhắc sử dụng hoặc đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong và ngoài nước.

~Theo TheLeader~

Tin tức khác